Lễ Hội Đống Đa

NGUỒN GỐC RA ĐỜI LỄ HỘI ĐỐNG ĐA

Ở HUYỆN TÂY SƠN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Nhà Tây Sơn là triều đại tồn tại từ năm 1778 đến 1802, được thành lập trong bối cảnh tranh chấp quyền lực cuối thời Hậu Lê trong lịch sử việt nam. “Nhà Tây Sơn” được dùng để gọi triều đại của anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ  để phân biệt với nhà Nguyễn của Nguyễn Ánh  (vì cùng họ Nguyễn). Ngoài ra, “Tây Sơn” cũng chỉ các lãnh tụ và nghĩa quân khởi nghĩa xuất thân từ ấp Tây Sơn; cũng được dùng làm tên cuộc chiến của Tây Sơn.

Khởi phát từ ấp Tây Sơn, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ tập hợp lực lượng, ban đầu chủ yếu là người thượng đứng lên khởi nghĩa. Lấy danh nghĩa chống lại Quốc phó Trương Phúc Loan, ủng hộ Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương là cháu đích tôn của Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát, Nguyễn Nhạc phất cờ nổi dậy năm 1771. Bởi Tây Sơn mang danh nghĩa ủng hộ Hoàng ôn Dương và khi đánh trận thường la ó ầm ĩ nên dân gian có câu:

“Binh triều là binh Quốc phó

Binh ó là binh Hoàng tôn”

Tây Sơn có được sự ủng hộ rất lớn của dân chúng, không chỉ những người nông dân nghèo mà cả một số sắc dân thiểu số và lực lượng người Hoa như hai đạo quân của Lý Tài, Tập Đình. Lực lượng Tây Sơn không những đánh đâu thắng đó mà còn nổi tiếng vì bình đẳng, bình quyền, không tham ô của dân và lấy của người giàu chia cho người nghèo. Nghĩa quân đã từng nêu lên khẩu hiệu: “Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”

Ban ngày họ xuống các chợ, kẻ đeo gươm, người mang cung tên, có ngưòi mang súng. Họ không hề làm thiệt hại đến người và của. Trái lại họ tỏ ra muốn bình đẳng giữa mọi người Đàng Trong; họ vào nhà giàu, nếu đem nộp họ ít nhiều thì họ không gây tổn hại, nhưng nếu chống cự lại thì họ cướp lấy những của quý đem chia cho người nghèo; họ chỉ giữ gạo và lương thực cho họ mà thôi… Người ta gọi họ là bọn cướp đạo đức và nhân từ đối với quần chúng nghèo khổ…

Những năm đầu tiên, lực lượng của nghĩa quân còn yếu, nhưng được sự giúp đỡ của nhân dân quanh vùng. Bấy giờ có người trí thức là Huyền Khê dâng tiền giúp, phú nông là Nguyễn Thung ra sức khuyến dụ mọi người gia nhập nghĩa quân.

Năm 1773, Nguyễn Nhạc tự xưng là Đệ nhất trại chủ, cai quản hai huyện Phù Ly, Bồng Sơn, Nguyễn Thung xưng là Đệ nhị trại chủ, Huyền Khê xưng Đệ tam trại chủ, coi việc quân lương.

Sau khi đứng vững ở địa bàn ấp Tây Sơn, năm sau cuộc khởi nghĩa lan rộng và nghĩa quân đã thắng một số trận chống lại quân chúa Nguyễn được phái tới trấn áp cuộc khởi nghĩa.

Năm 1773 quân Tây Sơn dùng mưu đánh chiếm được thành Quy Nhơn.

Sau khi hạ thành Quy Nhơn, quân Tây Sơn nhanh chóng đánh xuống phía nam, kiểm soát vùng đất từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, sau khi nghĩa quân lớn mạnh và tương kế tựu kế đã dẹp bỏ đàng trong và đàng ngoài và bắt đầu tiến quân ra Thăng Long dẹp loạn quân giặc…

Cuối năm Mậu Thân 1788, lợi dụng hành động cầu cứu của Lê Chiêu Thống, vua Càn Long đã cử hơn 20 vạn quân Thanh ồ ạt kéo sang xâm lược nước ta dưới sự chỉ huy của Tôn Sĩ Nghị. Với lòng căm thù quân cướp nước và bán nước, nhân dân Bắc Hà khát khao được hưởng cuộc sống yên bình và luôn hướng về lá cờ cứu nước sáng ngời chính nghĩa của Tây Sơn. Dưới sự tổ chức, lãnh đạo tuyệt vời của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, nghĩa quân Tây Sơn sau những thắng lợi bước đầu trong công cuộc thống nhất đất nước đã vùng dậy, khẩn trương bước vào cuộc giao tranh với quân thù.

Ngày 22/12/1788 (25 tháng 11 năm Mậu Thân) Nguyễn Huệ trịnh trọng làm lễ đăng quang, chính thức lên ngôi Hoàng đế đặt niên hiệu là Quang Trung rồi lập tức hạ lệnh xuất quân. Ngày 26/12/1788 (29 tháng 11 năm Mậu Thân), Quang Trung ra đến Nghệ An, tại đây ông đã công bố bài Hịch đánh Thanh và tuyển thêm binh lính. Trước cảnh đất nước bị ngoại xâm dày xéo, nhân dân đã nhiệt tình hưởng ứng Quang Trung, nhân dân khắp nơi đã kéo về tòng quân đánh giặc cứu nước dưới sự chỉ huy của Quang Trung  Nguyễn Huệ.

Ngày 15/1/1789 (20 tháng chạp Mậu Thân) vua Quang Trung hội quân cùng các tướng Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm, ông cũng đồng ý và khen ngợi kế hoạch tác chiến của Ngô Thì Nhậm. Tại Nghệ An, vua Quang Trung đã truyền cho tướng sĩ ăn Tết Nguyên Đán trước, để đến hôm trừ tịch thì cất quân đi, hẹn ngày mồng 7 tháng giêng thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng.

Theo kế hoạch ban đầu, nghĩa quân Tây Sơn sẽ chia làm 5 đạo quân tiến vào Thăng Long:

– Đạo quân thứ nhất là quân chủ lực do Quang Trung trực tiếp chỉ huy, tiến thẳng ra Thăng Long theo trục đường chính từ Nghệ An và đánh thẳng vào các đồn lũy Nam Thăng Long. Đạo quân này do Ngô Văn Sở làm tướng tiên phong.
– Đạo quân thứ hai do Đô đốc Long chỉ huy đánh thẳng vào đồn Khương Thượng rồi tiến vào Thăng Long theo hướng Tây Nam.

– Đạo quân thứ ba do Đô đốc Bảo chỉ huy có nhiệm vụ bao vậy, hỗ trợ và tiêu diệt tàn quân địch tháo chạy khỏi các đồn do đạo thứ nhất đánh tan.
– Đạo quân thứ tư do Đô đốc Tuyết chỉ huy, có nhiệm vụ tiến ra chiếm giữ Hải Dương theo đường biển và chặn đánh, tiêu diệt quân Thanh tháo chạy ở mặt Đông.

– Đạo quân thứ năm do Đô đốc Lộc chỉ huy có nhiệm vụ vượt biển tiến vào sông Lục Đầu và chặn đánh, tiêu diệt địch tháo chạy ở vùng Bắc Ninh, Bắc Giang.
Qua kế hoạch tác chiến đã cho thấy quyết tâm tiêu diệt địch, giải phóng đất nước của quân Tây Sơn; đồng thời cũng thể hiện tài năng quân sự tài ba của vua Quang Trung, khi bố trí lực lượng binh lính vừa tuyển được ở Nghệ An gia nhập đạo quân chủ lực nhưng đặt dưới sự chỉ huy của một nhà quân sự tài ba nhất nước ta lúc bấy giờ. Mặt khác, chính kế hoạch đánh bất ngờ, lợi dụng yếu tố không phòng bị của địch vào những ngày giáp Tết đã mang lại thành công cho nghĩa quân Tây Sơn.

Đêm 30 tháng chạp 1788 (25/1/1789), đạo quân của vua Quang Trung tiến thẳng ra Ninh Bình, tiêu diệt đồn Gián Khẩu. Đêm mồng 3 tháng giêng năm Kỷ Dậu 1789 (28/1/1789) đạo quân chủ lực của vua Quang Trung tiến vào bao vây và tiêu diệt đồn Hà Hồi (Thường Tín, Hà Tây), những tên địch chạy thoát ở đồn Gián Khẩu và Hà Hồi đều bị đạo quân của đô đốc Bảo chặn đánh và bắt sống.

Trận đánh quan trọng nhất và có ý nghĩa quyết định thắng lợi của nghĩa quân diễn ra vào rạng sáng ngày mồng 5 tết Kỷ Dậu (30/1/1789), đạo quân chủ lực của vua Quang Trung tiến vào công kích dữ dội đồn Ngọc Hồi (Thường Tín, Hà Tây) do tướng giặc Thanh là Hứa Thế Hanh chỉ huy. Cùng thời gian trên, đạo quân của Đô đốc Long cũng tiến đánh đồn Khương Thượng do Sầm Nghi Đống chỉ huy. Sau những thắng lợi đầu tiên, tinh thần nghĩa quân đang lên mạnh mẽ cùng với yếu tố bất ngờ đã làm địch không kịp xoay chuyển tình thế, phải bỏ chạy khỏi thành. Các tướng chỉ huy như Hứa Thế Hanh, Thượng Duy Thăng tử trận, Sầm Nghi đồng thắt cổ tự tử.

Trong lúc đó, Tôn Sĩ Nghị nửa đêm được tin báo thua trận đã hoảng hốt bỏ chạy về nước, cùng với đó là tên vua bán nước Lê Chiêu Thống. Tàn quân của địch một phần bị chết đuối khi bỏ chạy qua sông Hồng, phần bị các cánh quân của ta chặn đánh và tiêu diệt ở các hướng.

Thừa thắng, nghĩa quân tiến đánh và tiêu diệt các đồn nhỏ xung quanh như Văn Điển, Yên Quyết rồi tiến thẳng vào giải phóng Thăng Long cùng với các cánh quân khác.

Đến trưa mùng 5 tết Kỷ Dậu, vua Quang Trung và các tướng lĩnh tiến vào thành Thăng Long trong niềm vui khôn xiết của nhân dân kinh thành Thăng Long. Đến ngày mùng 7 tết, vua Quang Trung đã tổ chức tiệc ăn mừng cùng với các tướng sĩ như đã hẹn.

Chiến thắng xuân năm Kỷ Dậu 1789 là một trong những chiến công oanh liệt nhất trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, và càng tự hào hơn nữa khi đó là chiến công của một vị hoàng đế được xem là bách chiến bách thắng Quang Trung Nguyễn Huệ. Với thắng lợi này đã đập tan âm mưu xâm lược của nhà Thanh ở giai đoạn thịnh trị nhất dưới thời của vua Càn Long đối với nước ta.

Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa đã ghi dấu ấn đậm nét về nghệ thuật quân sự của thiên tài Quang Trung. Với kế hoạch tấn công thần tốc, chỉ trong vòng 6 ngày, nghĩa quân Tây Sơn đã lần lượt tiêu diệt gần 10 đồn giặc, khiến cho giặc không kịp trở tay và phải bỏ chạy. Chính yếu tố bất ngờ, luôn đặt quân giặc vào thế bị động trong cách đánh giặc của vua Quang Trung được các sử gia Việt Nam (Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng) gọi là cách đánh địch ở không gian và thời gian do mình lựa chọn.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Thanh mà tiêu biểu và quyết định là trận Ngọc Hồi – Đống Đa, là một chiến công hiển hách, mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, tự hào về sức  sống diệu kỳ của một dân tộc anh hùng, về vai trò chủ động và định đoạt  của nhân dân ta trong giờ phút hiểm nghèo của lịch sử, và hơn thế nữa, tự hào về Thăng Long – một vùng đất nghìn năm văn hiến

Để tưởng nhớ chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa, người dân Tây Sơn lấy mùng 4 tết và mùng 5 tết Nguyên Đán làm lễ kỉ niệm

Hằng năm vào chiều ngày mùng 4 và ngày mùng 5 tết âm lịch người dân Bình Định và Du khách cả nước lại náo nức du xuân lễ hội tết Đống Đa tại Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong – huyện Tây Sơn- tỉnh Bình Đinh để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ đã đánh thắng 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Hội tết Đống Đa – Tây Sơn – Bình Định là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước những ngày đầu xuân. Lễ hội được tổ chức long trọng, hoành tráng từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 5 tháng giêng âm lịch. Ngoài nghi lễ truyền thống, lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như biểu diễn võ thuật Tây Sơn, trống trận Tây Sơn, đua thuyền, trò chơi dân gian, hát tuồng… diễn lại trận đánh lịch sử với những y phục, voi trận như ngày xưa vua Quang Trung ra trận… thu hút đông đảo khách nước ngoài, nhân dân cả nước và đặc biệt là người dân đất võ tham dự.

Chương trình tế lễ Đống Đa diễn ra từ chiều mồng 4 tết với nhiều nghi lễ cổ truyền đặc sắc được tổ chức tại điện Tây Sơn. Lễ tế được tổ chức tôn nghiêm, cả khu vực rộng lớn, cờ lọng, nghi trượng rợp trời, chiêng trống rền vang… Người dự lễ như cảm thấy lòng mình hòa nhập vào hồn thiêng sông núi địa linh nhân kiệt.

Chương trình hội ngày mồng 5 tuy có thay đổi hằng năm nhưng các mục chính thì năm nào cũng có, đó là diễn văn ôn lại lịch sử Tây Sơn với cuộc đại phá quân Thanh, biểu diễn võ thuật, trống trận Tây Sơn và thao diễn trận pháp. Tiết mục võ thuật Tây Sơn được các võ sư, võ sĩ, nghệ nhân tên tuổi hàng đầu Bình Định biểu diễn các bài quyền truyền thống nổi tiếng của nhà Tây Sơn  như:  Lão mai độc thọ, Ngọc trản quyền, Hùng kê quyền; các bài võ sử dụng binh khí: Lôi long đao, Song phượng kiếm, Tuyết hoa song kiếm và Lôi phong tuỳ hình kiếm, hay các bài roi như Roi Thái sơn, Roi Hắc đảnh ô sơn … được người xem tán thưởng nhiệt liệt.

Tiết mục nhạc võ Tây Sơn là môn nghệ thuật độc đáo của tỉnh Bình Định, người biểu diễn vừa phải có tâm hồn nghệ sĩ, vừa là bậc võ sĩ siêu đẳng và luyện đôi tay thần diệu để tác dụng lên lòng trống, vành trống và thân trống bằng cả hai bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, cánh tay, tiếp xúc vào một bộ trống gồm 12 chiếc lớn nhỏ khác nhau gọi là “Song thủ đả thập nhị cổ”, tạo nên những âm thanh hùng tráng khác lạ khiến người xem như bị lôi cuốn, thúc giục. Tiết mục biểu diễn chiến trận Đống Đa lại càng hào hứng và hấp dẫn hơn nữa, được tổ chức trên địa thế qui mô, dàn dựng công phu, tập dượt công phu, có cả ngàn người thao diễn với cờ xí, chiêng trống, sắc phục, đồn lũy… y như thật, có năm còn có bốn, năm con voi trận tham gia.

Màn biểu diễn Nhạc võ Tây Sơn làm cho người xem dễ dàng cảm nhận những tiếng gươm khua, tiếng binh khí, tiếng hò reo của quân sĩ, tiếng súng nổ, tiếng voi gầm, ngựa hí hoà lẫn vào tiếng trống. Người xem có cảm giác như đang đứng giữa trận tuyến, không gian như vang vọng hồn thiêng sông núi, và được trở về với lịch sử, chứng kiến một thế trận thần tốc, táo bạo. Tiếng trống như giục giã, như thôi thúc, người xem có thể bị kích động và sẵn sàng xông lên sống mái.

 

Ngày nay, đi dự lễ hội tết Đống Đa đối với người dân đất võ đã trở thành niềm tự hào và cũng là một nhu cầu tinh thần không thể thiếu được trong những ngày đầu xuân.

Đánh giá: – Lễ Hội Đống Đa tổ chức hàng năm để tưởng nhớ các bậc tiền bối có công dựng nước và giữ nước

  • Giúp chúng ta tự tin hơn khi đứng trước mọi hoàn cảnh khó khăn